Ngành thép “lội ngược dòng” ngoạn mục về đích

Bước vào năm 2009, nhiều chuyên gia nhận định, ngành thép sẽ gặp khó khăn hơn năm 2008 bởi vì vào thời điểm đó nhiều DN sản xuất và kinh doanh thép đang còn tồn kho lớn nguyên liệu như phôi thép, thép phế, cuộn cán nóng với giá cao gấp 3 lần so với thời giá của 2009. Nếu tiếp tục sản xuất thì hầu hết các DN buộc phải bán dưới giá thành và chịu lỗ lớn (thép xây dựng từ mức giá bán gần 20 triệu đồng/tấn hạ xuống chỉ còn bán với giá 7-9 triệu đồng/tấn).

Trong khi nhiều đơn vị sản xuất và thương mại vay ngân hàng để nhập nguyên liệu, mua sản phẩm với lãi suất cao, vay ngoại tệ để mở L/C trả nợ nước ngoài với tỷ giá tăng đột biến làm cho doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Cộng với tình trạng nhiều công trình đầu tư dở dang, do kinh tế suy thoái không triển khai tiếp được vì thiếu vốn. Lãi suất quá cao và do sợ rủi ro nên nhiều ngân hàng thương mại đã xiết chặt cho vay đối với các DN sản xuất và kinh doanh thép.

Vì thế, ngành thép lâm vào tình cảnh khốn đốn, tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất thép trong những tháng cuối năm 2008 và 2 tháng đầu năm 2009 giảm sút mạnh. Một số DN phải ngừng sản xuất liền mấy tháng hoặc sản xuất gián đoạn để giảm bớt tồn kho.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã nhanh chóng có những điều chỉnh kịp thời trong cơ chế chính sách, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội. Một số chỉ tiêu kinh tế được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới, như giảm mức tăng trưởng kinh tế, khống chế tỷ lệ lạm phát, áp dụng nhiều giải pháp về tài chính.

Riêng ngành thép được Chính phủ và các bộ, ngành áp dụng một số giải pháp: tăng thuế nhập khẩu phôi thép từ 5% lên 8%; thuế nhập khẩu thép xây dựng thành phẩm từ 12% lên 15%; thép cán nguội từ 7% lên 8%; thép lá mạ kẽm và sơn phủ màu từ 12% lên 13%. Để ngăn chặn việc gian lận thương mại, Chính phủ cũng đồng tình tăng thuế nhập khẩu thép cuộn chứa hợp kim Bo dùng làm thép xây dựng từ 0% lên 10%; thuế nhập khẩu cáp thép tăng từ 0% lên 3%.

Cùng với đó là chính sách giữ ổn định tỷ giá VNĐ/USD; ưu tiên cung cấp USD cho nhập khẩu phôi thép, thép phế và một số vật tư nguyên liêu phục vụ cho sản xuất trong nước; tiếp tục cho vay với lãi suất ưu đãi để duy trì sản xuất, triển khai các công trình đầu tư trong ngành thép nếu xét thấy có điều kiện phát triển ổn định.

Các ngân hàng cũng áp dụng kéo dài thời gian trả nợ, giúp doanh nghiệp vượt qua thời kỳ khó khăn. Đặc biệt, Nhà nước đã thực hiện gói kích thích kinh tế 8 tỷ USD để hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, triển khai nhiều dự án xây dựng hạ tầng cơ sở, xây dựng nhà ở nông thôn, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhà ở cho sinh viên…

Chính nhờ hàng loạt các giải pháp đồng bộ của Chính phủ, kinh tế trong nước đã được phục hồi và có mức tăng trưởng trở lại, các dự án đầu tư sau khi rà soát lại được tiếp tục triển khai, ngành cung ứng vật liệu, trong đó có ngành thép đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất. Kể từ tháng 3/2009, sản xuất và tiêu thụ thép đã hồi phục và tăng trưởng trở lại. Đặc biệt, trong các tháng 7, 8, 9 và 2 tháng cuối năm 2009, tiêu thụ thép sản xuất trong nước tăng mạnh mẽ, có lúc tăng trên 40% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù năm 2009 là năm hết sức khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng các dự án đầu tư cho ngành thép của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tiếp tục được thực hiện. Hàng loạt dự án thép đã đi vào hoạt động, như các nhà máy sản xuất phôi thép vuông của Công ty thương mại Thái Hưng- Hải Dương với công suất 250.000 tấn/năm, Thép HPS (Hải Phòng), công suất 120.000 tấn/năm Công ty TTHH thép đặc biệt Thắng Lợi (Thái Bình): 600.000 tấn/năm, Công ty thép Việt Ý (Hải Phòng): 400.000 tấn/năm.

Cùng với đó là 5 nhà máy sản xuất thép cán xây dựng và cán nguội của Công ty CP thép Sông Hồng, Công ty Thép Việt, Khu liên hợp tập đoàn Hòa Phát, Công ty CP thép Miền Trung; Nhà máy sản xuất thép cán nguội Posco Vũng Tàu- Việt Nam cũng chính thức đi vào hoạt động trong năm 2009. Tính đến thời điểm cuối năm 2009, tổng công suất các nhà máy sản xuất gang từ lò cao đạt 1,8 triệu tấn, phôi thép vuông: 4,5- 4,7 triệu tấn, thép xây dựng các loại: 6,7- 7 triệu tấn, thép cuộn cán nguội: 2 triệu tấn, thép lá mạ: 1,2 triệu tấn, ống thép hàn: 1,3 triệu tấn.

Năm 2009, với nỗ lực của các DN và chính sách hợp lý của Chính phủ và các bộ, ngành, Hiệp hội Thép Việt Nam, ngành thép đã “lội ngược dòng” để duy trì và phát triển sản xuất. Kết thúc năm kế hoạch, ước sản xuất toàn ngành đã tăng 25%, tiêu thụ tăng 30% so với năm trước. Hầu hết các công ty trong Hiệp hội Thép Việt Nam duy trì được mức tăng trưởng cao so với 2008 (đặc biệt là các công ty sản xuất thép xây dựng đã có mức tăng trưởng tiêu thụ thép trên 40% so với 2008). Các công trình đầu tư vẫn được khiển khai ở nhiều công ty trong Hiệp Hội Thép như VnSteel, Thép Việt, Hòa Phát, Việt Ý…

Theo ông Phạm Chí Cường- Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam: “Nhận định của Hiệp Hội thép Thế giới cho biết, nhu cầu thép đã thoát khỏi đáy. Đây là một dấu hiệu tốt cho ngành thép Việt Nam.Với tình hình kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi trong năm 2010, ngành thép Việt Nam dự báo cũng tiếp tục có sự tăng trưởng do tác động của các biện pháp kích cầu kinh tế của Chính phủ trong năm 2009 và sẽ tiếp tục trong năm 2010”.

Tuy nhiên, năm 2010, ngành thép cũng sẽ phải đương đầu với một số khó khăn mới như giá nguyên liệu quặng sắt, than, dầu, phôi thép, thép phế, điện năng và một số loại nguyên liệu khác cao hơn giá năm 2009; sẽ có một số sản phẩm thép theo lộ trình qui định WTO sẽ không còn được hưởng ưu đãi và bảo hộ cao về thuế nhập khẩu, tính cạnh tranh với sản phẩm thép nhập khẩu sẽ khốc liệt hơn; một số dự án mới về thép đi vào sản xuất chính thức làm cho sự mất cân đối giữa nguồn cung và mức tiêu thụ của thị trường càng cách xa thêm, dẫn đến cạnh tranh quyết liệt giữa các thành phần kinh tế ở thị trường trong nước, nhất là đối với sản phẩm thép xây dựng, cuộn cán nguội, ống thép hàn, tôn mạ kim loại, sơn phủ màu… Vì thế, dự đoán, năm 2010, giá thép trong nước sẽ tăng do giá các nguyên liệu đầu vào tăng nhưng sẽ không tăng đột biến.

Để ngành thép tiếp tục tăng trưởng, theo Hiệp hội Thép, rất cần các giải pháp đồng bộ của Chính phủ, các bộ ngành quản lý và sự nỗ lực tự thân của các công ty thành viên.

Ngành thép mong muốn Chính phủ có các giải pháp hữu hiệu về tài chính (đáp ứng nhu cầu về vốn, về ngoại tệ, về tỷ giá…) để các công ty thép tiếp tục triển khai các dự án đầu tư, có đủ vốn và ngoại tệ trong sản xuất và kinh doanh; tăng cường giám sát, quản lý thị trường để chống gian lận thương mại, chống buôn lậu, trốn thuế; sử dụng tối đa những điều Luật Thương mại Quốc tế cho phép để hỗ trợ sản xuất trong nước, kể cả biện pháp tự vệ khi hàng nước ngoài ồ ạt nhập vào Việt Nam đe dọa công ăn việc làm của công nhân Việt Nam; kiểm soát chặt chẽ các dự án đầu tư mới, các thủ tục cấp phép đầu tư ngoài quy hoạch để đảm bảo cân đối cung cầu các sản phẩm thép trong nước…


Tác giả

Bản in Gửi bạn bè



Bài viết khác


Liên hệ bộ phận kinh doanh

Địa chỉ: Khu công nghiệp Phú Mỹ I
Huyện Tân Thành - Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Điện thoại: 84-64-392.36.36 / 7 / 8
Fax: 84-64-392.38.89